Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh: "Trái Đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu". Các quốc gia đã và đang xem xét lại các chu trình công nghiệp nhằm giảm thiểu phát thải carbon, trong đó có vấn đề vật liệu xây dựng mặt đường giao thông.
Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) đã thúc đẩy các quốc gia có giải pháp đồng bộ để cắt giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau đó, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện những cam kết của mình.
Xây dựng kết cấu hạ tầng có thể chiếm tới 11% lượng phát thải, trong đó xây dựng mặt đường giao thông bằng vật liệu asphalt được coi là một lĩnh vực có mức phát thải carbon cao. Vật liệu bê tông asphalt nóng truyền thống (HMA – Hot Mix Asphalt) có lịch sử hơn 130 năm, được ứng dụng nhiều trong xây dựng mặt đường ô tô và sân bay, bãi đậu xe, nền đường sắt cao tốc hay lõi đập thủy điện. Quá trình chế tạo và thi công HMA tiêu tốn nhiều năng lượng để làm nóng cốt liệu và chất kết dính bitum đồng thời phát tán nhiều loại khí thải ra môi trường. Do vậy, từ những năm 90, công nghệ bê tông asphalt ấm (WMA – Warm Mix Asphalt) đã được nghiên cứu và ứng dụng ở Châu Âu với nhiệt độ chế tạo thấp hơn từ 20-500C so với hỗn hợp HMA. So với công nghệ HMA, công nghệ WMA đem lại những hiệu quả như:
- Giảm được mức tiêu thụ nhiên liệu trong quá trình sản xuất
- Sử dụng được hàm lượng RAP (Reclaimed Asphalt Pavement) cao hơn
- Tính dễ thi công và vận chuyển được quãng đường xa hơn
- Chất lượng đạt được tương đương với hỗn hợp HMA
Bắt nhịp cùng các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới, các trường đại học có chuyên ngành về xây dựng giao thông đã và đang nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ bê tông asphalt tái chế ấm phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Cuốn sách chuyên khảo Công nghệ bê tông Asphalt tái chế ấm – Nghiên cứu và ứng dụng được biên soạn dựa trên các kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm. Các nội dung trong cuốn sách này bao gồm thiết kế, lựa chọn thành phần và đánh giá các tính năng của hỗn hợp bê tông asphalt ấm có hàm lượng RAP lên đến 40%. Trên cơ sở số liệu thực nghiệm trong phòng, nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm hiện trường để đánh giá công nghệ và phân tích dự báo tính năng khai thác mặt đường bê tông asphalt tái chế ấm, lượng hóa các hiệu quả về mặt môi trường trong toàn bộ vòng đời của hỗn hợp.
Nội dung cuốn sách gồm 7 chương:
Chương 1: Tổng quan về công nghệ bê tông asphalt tái chế ấm
Chương 2: Quy trình sản xuất và quản lý chất lượng vật liệu tái chế mặt đường (RAP)
Chương 3: Nghiên cứu thiết kế thành phần hỗn hợp bê tông asphalt tái chế ấm
Chương 4: Thiết kế, chế tạo hỗn hợp bê tông asphalt tái chế ấm ở trạm trộn
Chương 5: Thiết kế và dự báo tuổi thọ khai thác của kết cấu áo đường sử dụng bê tông asphalt tái chế ấm
Chương 6: Nghiên cứu thử nghiệm hiện trường và đánh giá tính năng khai thác của bê tông asphalt tái chế ấm
Chương 7: Nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường đạt được của công nghệ bê tông asphalt tái chế ấm
Cuốn sách có thể sử dụng làm tài liệu phục vụ cho đào tạo các lĩnh vực về xây dựng mặt đường giao thông. Đồng thời, cuốn sách cũng có thể là tài liệu tham khỏa cho các chuyên gia, nhà khoa học trong cùng lĩnh vực.
Xin trân trọng giới thiệu và kính mời bạn đọc tham khảo tài liệu tại Thư viện Trường Đại học Hòa Bình.