Ngày đăng bài: 06/05/2024 15:10
Lượt xem: 31
Tọa đàm "Xu thế mới trong đào tạo Tiếng Anh của các trường đại học đào tạo đa ngành"

Nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên tham gia chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về giảng dạy, đào tạo, hình thành và phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh cho sinh viên nói chung và cho sinh viên không chuyên ngữ nói riêng tại các trường đại học đào tạo đa ngành, từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị về đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, cùng xây dựng một cộng đồng để cải thiện công tác giảng dạy ngoại ngữ, chiều ngày 02/5/2024, Trường Đại học Hòa Bình (ĐHHB) tổ chức Tọa đàm “Xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh của các trường đại học đào tạo đa ngành”.

Backdrop diễn giả

Tham dự buổi tọa đàm, về phía khách mời, có Ông Phạm Ngọc Lan - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Công tác Hội viên - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và lãnh đạo các Khoa, Bộ môn Ngoại ngữ và Tiếng Anh của các trường đại học, học viện trong và ngoài Thành phố Hà Nội như: Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường ĐH Thái Bình; Học viện Ngân hàng; Học viện Tài chính…

Về phía Trường ĐHHB, có: Chủ tịch Hội đồng Trường; Ban Giám hiệu; lãnh đạo các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm; giảng viên (GV) Khoa Tiếng Anh, sinh viên (SV) và các cán bộ, giảng viên trong Trường.

Phát biểu Đề dẫn Tọa đàm, TS. Lê Thị Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học khẳng định sự cần thiết và vai trò của ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng trong thời đại toàn cầu hoá và công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay. Do vậy, đào tạo hình thành và phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cho SV tại các trường đại học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tọa đàm tập trung thảo luận về các chính sách và vấn đề quản lý trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành, từ đó, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành; phương pháp và thực hành giảng dạy tiếng Anh; những trở ngại của SV không chuyên ngữ khi học Tiếng Anh và phương pháp đánh giá người học chương trình tiếng Anh.

Ảnh 1. Toàn cảnh

Toàn cảnh Tọa đàm

Trong tổng số 08 tham luận được các đại biểu chuẩn bị nội dung và trình bày tại Toạ đàm, một số diễn giả tập trung trình bày về các chính sách và vấn đề quản lý trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành.

GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐHHB đã chỉ ra những khó khăn để dạy - học tốt Tiếng Anh ở các trường đại học đa ngành Việt Nam, trong đó, có thể kể đến những khó khăn như: Năng lực tiếng Anh sau tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) của học sinh chưa đồng đều; Thiết kế chương trình chưa theo từng nhóm năng lực nhận thức; Công cụ hỗ trợ dạy - học còn hạn chế; Thiếu động lực, chưa tự tin, chưa đủ áp lực để SV học; Thiếu môi trường thực hành; Một số SV do năng lực sử dụng Tiếng Việt chưa giỏi nên tư duy theo format tiếng Việt để áp sang tiếng Anh, dẫn đến khó khăn trong nói và viết tiếng Anh, nhất là tiếng Anh học thuật.

Trên cơ sở khảo sát thực trạng quản lý dạy học Tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ tại một số trường đại học ngoài công lập theo tiếp cận năng lực, TS. Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng Khoa Tiếng Anh - Trường ĐHHB đã đề xuất các biện pháp quản lý dạy học tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ tại các trường đại học đa ngành theo tiếp cận năng lực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học và hội nhập quốc tế.

Cùng chủ đề trên, ThS. Quách Thị Mai, Phó Trưởng Khoa Tiếng Anh - Trường ĐHHB đã làm rõ chuẩn đầu ra cho SV không chuyên ngữ bậc đại học hiện nay và trình bày khái quát thực trạng dạy - học Tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ tại các trường đại học đào tạo đa ngành ở Việt Nam, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh cho SV.

Không chỉ tập trung phân tích cơ sở lý luận về xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh của các trường đại học đào tạo đa ngành, các diễn giả còn chia sẻ kinh nghiệm đào tạo Tiếng Anh cho SV tại các trường đại học, học viện. TS. Lâm Thị Lan Hương, GV Trường Đại học Thủy lợi đã trình bày thực trạng giảng dạy Tiếng Anh nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra cho SV Trường Đại học Thủy lợi, trong đó, chỉ ra những khó khăn của Nhà trường khi triển khai giảng dạy và đánh giá người học chương trình Tiếng Anh; trên cơ sở đó, TS. giới thiệu về Đề án nâng chuẩn đầu ra (CĐR) Tiếng Anh cho SV chính quy từ trình độ A2 lên trình độ B1 với các giải pháp cụ thể, hiệu quả mà Trường Đại học Thủy lợi đã và đang thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo Tiếng Anh đảm bảo chuẩn đầu ra cho SV. Còn ThS. Nguyễn Thị Vân Khánh, GV Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng chia sẻ kinh nghiệm đào tạo Tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đây là những bài học về phương pháp, cách thức nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Anh cho SV đối với các trường đại học đào tạo đa ngành, trong đó có Trường ĐHHB.

Ngoài ra, các diễn giả của Trường ĐHHB còn phân tích những trở ngại của sinh viên Nhà trường khi học Tiếng Anh; thực trạng phương pháp và thực hành giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành Y khoa và một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh chuyên ngành Y khoa Trường ĐHHB; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ tại Trường…

Phần tiếp theo, các đại biểu tham gia Toạ đàm đến từ Hiệp hội các trường đại học cáo đẳng, Việt Nam và các trường đại học, học viện trong và ngoài Thành phố Hà Nội đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm làm rõ xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh của các trường đại học đào tạo đa ngành hiện nay, đặc biệt các trưởng khoa, trưởng bộ môn Ngoại ngữ và bộ môn Tiếng Anh của các trường như: Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng đã trao đổi về những phương pháp, kinh nghiệm hiệu quả trong quản lý, đào tạo, giảng dạy Tiếng Anh cho SV.

Phát biểu chia sẻ với Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Ngữ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường thể hiện sự nhất trí với các nội dung trình bày của đại biểu tham gia Tọa đàm và khẳng định việc nắm bắt được xu thế mới trong đào tạo Tiếng Anh của các trường đại học là nhu cầu tất yếu để đào tạo SV không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có năng lực sử dụng Tiếng Anh để đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế, trên cơ sở rà soát lại chương trình đào tạo và chất lượng dạy - học để đào tạo cho SV năng lực sử dụng Tiếng Anh tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ảnh 2. Thầy Ngữ

TS. Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu ý kiến tại Tọa đàm

Qua trao đổi của các đại biểu, NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường đã tổng kết và thống nhất các nội dung sau đây:

Ảnh 3. Thầy Hưng

NGND. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường trình bày kết luận Tọa đàm

Thứ nhất, về phía Nhà trường, vấn đề quan trọng cần thực hiện ngay là việc rà soát lại chương trình đào tạo (CTĐT) trên cơ sở gắn với CĐR. Qua chia sẻ của các trường đại học và học viện, có thể thấy, thời lượng dành cho các học phần Tiếng Anh của các trường đều tuân thủ theo khung CTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng việc đào tạo có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào việc phải xây dựng được CTĐT phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà trường và GV cần thay đổi phương pháp dạy học để truyền cảm hứng cho người học, như: Tăng cường các hoạt động nhóm, hoạt động thảo luận, hoạt động thuyết trình, hướng đến phát triển các kĩ năng giao tiếp như nghe, nói cho SV; tăng cường các hoạt động tự học cho SV bằng cách áp dụng các công nghệ trong dạy - học và đánh giá; mời giáo viên người bản ngữ tham gia một số hoạt động giảng dạy như rèn luyện kỹ năng nói, phát âm cho SV, một số hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ Tiếng Anh; tăng cường giao bài tập để sinh viên tự học;… Đặc biệt, Nhà trường phải chú trọng xây dựng học liệu đáp ứng được CTĐT, học liệu phải mang tính thông dụng, phổ cập, thực hành, giảm bớt tính hàn lâm. Về phương pháp đánh giá người học, cần tăng cường tính độc lập cho người học và sử dụng đa dạng các phương pháp đánh giá, trong đó, SV có thể tự lựa chọn hình thức đánh giá trên lớp cho bản thân như thuyết trình, làm việc nhóm để tăng cường sự tự chủ trong học tập và năng động trong cuộc sống, tăng khả năng giao tiếp. Ngoài ra, việc Nhà trường tổ chức phân loại năng lực tiếng Anh đầu vào của SV trước khi xếp lớp; GV điều chỉnh chia nhóm học tập trong lớp, phân công mỗi nhóm đều có bạn khá giỏi và bạn yếu để các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau cả khi học trên lớp và khi làm bài ngoài giờ học; xây dựng đội ngũ cố vấn học tập nhiệt tình… cũng là những giải pháp cần thực hiện để nâng cao chất lượng dạy - học Tiếng Anh cho các trường đại học nói chung và Trường ĐHHB nói riêng.

Thứ hai, về phía GV, cần tích cực, chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đồng thời, quá trình giảng dạy của GV cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để tăng sức hấp dẫn, tạo hứng thú cho người học; tạo môi trường thoải mái và đáng tin cậy cho SV thực hành. Ngoài ra, để giảng dạy hiệu quả các học phần Tiếng Anh chuyên ngành, GV Tiếng Anh phải chủ động tìm đọc sách chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với GV dạy môn chuyên ngành tiếng Việt để được hỗ trợ kiến thức nền tảng và hiểu được những thuật ngữ ngành trước khi dạy về một chủ đề nào đó; hoặc theo học một khóa học về chuyên ngành mà mình sẽ và đang dạy. Khoa chuyên môn cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho GV để Ban Lãnh đạo Nhà trường phê duyệt và hỗ trợ.

Đối với sinh viên, để việc dạy Tiếng Anh hiệu quả, Nhà trường và GV cần tạo áp lực cho người học, SV phải thấy được việc cần phải học Tiếng Anh, nếu không hoàn thành các học phần Tiếng Anh chuyên ngành sẽ không được đăng ký để học tiếp học phần khác. Bên cạnh đó, SV cần phải có động cơ học tập, sự hào hứng học tập để có định hướng phấn đấu, và để tạo được cảm hứng học tập cho SV, thì vai trò của người GV dạy Tiếng Anh là rất quan trọng.

Thứ ba, về yếu tố bên ngoài, việc tạo ra môi trường thuận lợi để GV Tiếng Anh các trường đại học, học viện có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với nhau là rất cần thiết, do vậy, PGS.TS Tô Ngọc Hưng cũng khuyến nghị Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cần quan tâm đến Câu lạc bộ Tiếng Anh miền Bắc hoạt động có hiệu quả thiết thực hơn, kết nối thêm thành viên là các GV của các trường đại học, học viện khu vực miền Bắc.

Qua trao đổi cởi mở, tâm huyết và chân thành của các đại biểu, Tọa đàm đã trao đổi cụ thể các vấn đề liên quan đến xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh của các trường đại học đào tạo đa ngành để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Anh, nhằm trang bị cho sinh viên tại Trường Đại học Hòa Bình nói riêng và các trường đại học đào tạo đa ngành nói chung các kiến thức, khả năng ứng dụng tiếng Anh một cách hữu dụng trong học tập và thực tế.

Ảnh 4. Lưu niệm

Ban Lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Toạ đàm

*Một số hình ảnh diễn giả và đại biểu khách mời trao đổi ý kiến tại Tọa đàm

Ảnh 5. Thầy Đông

Ảnh 6. Thầy Hải

Ảnh 8. Cô Hạnh

Ảnh 9. Cô Hương

Ảnh 10. Cô Thịnh

Ảnh 12. Cô Mai

Ảnh 13. Cô Vân Khánh

Ảnh 14. Cô Hằng

Ảnh 16.

Ảnh 17

Ảnh 18

Ảnh 19


Nguồn: https://daihochoabinh.edu.vn/

Xem bài viết gốc tại đây