Ngày đăng bài: 14/04/2023 09:39
Lượt xem: 2736
Đa dạng phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, năm 2023. Triển khai kế hoạch, các cơ sở đào tạo đã công bố phương án tuyển sinh với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

 

 

Việc đa dạng phương thức xét tuyển giúp các trường tăng cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực, sở trường phù hợp với ngành nghề đào tạo.

 

Xét tuyển phù hợp đơn vị tuyển sinh

 

Quá trình triển khai tuyển sinh hiện nay, điều dễ nhận thấy là phần lớn các cơ sở đào tạo đều đưa ra nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó, mỗi phương thức xét tuyển có một đặc thù phù hợp đơn vị tuyển sinh; thể hiện định hướng của ngành nghề đào tạo và quyền tự chủ của các trường... Theo Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Hòa Bình, Ngô Thị Kim Tuyến, năm 2023, trường tuyển sinh 18 mã ngành đào tạo gồm 1.279 chỉ tiêu với 18 tổ hợp xét tuyển.

 

Với vai trò được ví như "đầu tàu" trong đào tạo, kỳ tuyển sinh năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 14.945 chỉ tiêu đại học chính quy với 35 mã tổ hợp môn xét tuyển. Để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nhiều phương thức xét tuyển trong đó, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định đặc thù của đơn vị.

 

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nếu đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (đạt 80/150 điểm trở lên), do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (đạt 750/1.200 điểm trở lên). Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Anh), kết quả ba môn thi, mỗi môn đạt từ 60/100 điểm trở lên; kết quả trong kỳ thi SAT (Hoa Kỳ) đạt từ 1.100/1.600 điểm trở lên; ACT đạt từ 22/36 điểm trở lên; chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 điểm trở lên cũng được xét tuyển.

 

Cũng đa dạng các phương thức, năm 2023, Trường đại học Ngoại thương xét tuyển 4.100 chỉ tiêu. PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sẽ thực hiện xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, trường cũng xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia hoặc trường THPT chuyên.

 

Trường đại học Ngoại thương cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023... tùy theo từng chương trình đào tạo. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoặc kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực cũng được nhà trường áp dụng.

 

Bảo đảm công bằng, tin cậy, bình đẳng

 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tuyển sinh năm 2023, các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân các em và gia đình, mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.

 

Kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường đại học. Các trường đại học xây dựng các phương thức xét tuyển khác nhau cần bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học.

 

Năm 2023, công tác tuyển sinh tương đối ổn định về phương thức, cách thức triển khai, có cải tiến về kỹ thuật để đơn giản hóa, giảm sai sót cho thí sinh; tạo điều kiện cho các trường tham gia hệ thống tuyển sinh chủ động hơn, có đầy đủ dữ liệu hơn để thuận tiện trong quá trình xét tuyển của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể thống nhất với kế hoạch chung và công khai, minh bạch, để xã hội, cơ quan quản lý giám sát; công bố đề án tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử ít nhất 30 ngày trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

 

Đáng chú ý, các cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác, nhất quán, đúng thời gian để thí sinh có quyết định lựa chọn đăng ký xét tuyển theo nhu cầu. Hạn chế trường hợp thí sinh mất cơ hội dự tuyển do các quy định không liên quan đến tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

 

Đối với các sở giáo dục và đào tạo, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường phổ thông, các đơn vị khác thuộc phạm vi quản lý triển khai công tác tuyển sinh theo quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện quy chế tuyển sinh. Các sở giáo dục và đào tạo cũng cập nhật danh mục khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chậm nhất đến ngày 10/4.

 

Thí sinh đăng ký, nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh từ ngày 3 đến 6/7; nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các cơ sở đào tạo chậm nhất 17 giờ ngày 30/6; đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn) từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7. Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề ngày 25/7…

 

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh. Bộ sẽ hoàn thiện quy trình, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác tuyển sinh, bảo đảm diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế.