Trường Đại học Hòa Bình tổ chức Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)
Năm 2025, nền báo chí Cách mạng trang trọng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) trong bối cảnh cả dân tộc đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng. Nhằm hướng tới sự kiện trọng đại này, sáng ngày 18/6/2025, Trường Đại học Hòa Bình (ĐHHB) đã tổ chức chương trình Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Tọa đàm khoa học “Đào tạo truyền thông và báo chí trong kỷ nguyên số”.

Tham dự chương trình, về phía khách mời, có các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo từ các cơ quan báo chí – truyền thông như: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Báo Hà Nội mới, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Báo Thanh Tra, Báo Dân trí, Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, VOV1 – Đài Tiếng nói Việt Nam…; đại biểu là lãnh đạo các khoa chuyên ngành Báo chí – Truyền thông của các cơ sở đào tạo như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Đại Nam, Học viện Phụ nữ, Viện Phát triển Công nghệ và Văn hóa, giáo dục…
Về phía Trường ĐHHB, có: Chủ tịch Hội đồng Trường; Hiệu trưởng; lãnh đạo các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm; giảng viên Khoa Thiết kế và Truyền thông, học viên cao học và sinh viên ngành Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện, cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Trường.
Tại phần thứ nhất của chương trình, Trường ĐHHB đã long trọng kỷ niệm và chúc mừng 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường ĐHHB đã thay mặt Ban Lãnh đạo Nhà trường trân trọng gửi tới các nhà báo lão thành, các nhà khoa học, các đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp, lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ nhà báo Cách mạng – những người đã dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp báo chí nước nhà; đồng thời, cam kết tiếp tục phát huy vai trò của tạp chí học thuật, duy trì các giá trị chuẩn mực của khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế, và từng bước đưa Tạp chí của Trường ĐHHB trở thành một địa chỉ học thuật uy tín, góp phần khẳng định vị thế nghiên cứu của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Ảnh. NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường ĐHHB phát biểu
Tiếp sau đó, TS. Nguyễn Văn Ngữ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHHB đã phát biểu chúc mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. TS. Nguyễn Văn Ngữ ghi nhận và biểu dương sâu sắc sự cố gắng, nỗ lực và những kết quả mà Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Khoa Truyền thông – Thiết kế, Phòng Tuyển sinh và Truyền thông đã đạt được trong công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối cộng đồng và quảng bá hình ảnh của Trường Đại học Hòa Bình. TS. cũng khẳng định trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, vai trò của báo chí – truyền thông càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị, các cá nhân làm công tác báo chí – truyền thông cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và bản lĩnh nghề nghiệp, cùng chung tay xây dựng, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Trường ĐHHB trở thành một trường đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập và phát triển.

Ảnh. TS. Nguyễn Văn Ngữ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHHB phát biểu
Đại diện một số cơ quan báo chí – truyền thông tham dự chương trình, và các đơn vị, tổ chức đoàn thể của Trường ĐHHB đã chúc mừng Nhà trường và cùng cam kết nỗ lực xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Phần thứ hai của chương trình kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) là Tọa đàm khoa học “Đào tạo truyền thông và báo chí trong kỷ nguyên số”. NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Trần Bá Dung, Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế chủ trì Tọa đàm.

Ảnh. Toàn cảnh Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học, NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng khẳng định đây là Tọa đàm khoa học có ý nghĩa rất quan trọng ở góc độ khoa học và thực tiễn, với mong muốn tạo ra một diễn đàn cởi mở, đa chiều và mang tính xây dựng để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, giảng viên và sinh viên, học viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng và đề xuất các giải pháp thiết thực cho công tác đào tạo Báo chí – Truyền thông trong thời đại số, để sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông không chỉ làm chủ kiến thức lý luận, mà còn thành thạo kỹ năng số, tư duy phản biện và đạo đức nghề nghiệp, để chương trình đào tạo theo kịp thực tiễn báo chí hiện đại, nơi mà phóng viên có thể đồng thời là biên tập viên, quay phim, dựng hình, phát sóng trực tuyến và để nhà trường, nhà báo, doanh nghiệp truyền thông cùng bắt tay xây dựng một hệ sinh thái đào tạo thực chất và bền vững.

Ảnh. NGND. PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Tọa đàm
Trong quá trình chuẩn bị Tọa đàm khoa học, Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học. Tại Tọa đàm, đã có 05 ý kiến phát biểu tham luận và một số ý kiến trao đổi của của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Trường. Nội dung các bài tham luận rất phong phú, các ý kiến phát biểu đã bám sát các nội dung định hướng của Tọa đàm, đặc biệt đã nhận diện xu hướng phát triển của báo chí – truyền thông trong kỷ nguyên số: Các thách thức và cơ hội mới do công nghệ số mang lại; Sự chuyển dịch vai trò của nhà báo, cơ quan truyền thông trong bối cảnh số hóa; Bình luận về chương trình, nội dung và một số vấn đề đặt ra trong đào tạo truyền thông và báo chí tại các cơ sở đào tạo đại học hiện nay; Mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo ngành Báo chí và Truyền thông với các cơ quan báo chí – truyền thông, doanh nghiệp hoạt động truyền thông trong kỷ nguyên số và đề xuất giải pháp, khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo truyền thông và báo chí trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh (Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, cần phát triển các mô hình đào tạo truyền thông phục vụ thị trường rộng lớn, trong đó, thay đổi cấu trúc, coi báo chí là một cấu phần trong truyền thông. Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo truyền thông doanh nghiệp, quan hệ công chúng. Trong tham luận về “Ứng dụng AI trong đào tạo ngành Báo chí – Truyền thông tại Việt Nam”, PGS.TS cho rằng, các loại hình truyền thông đa phương tiện tích hợp công nghệ (như AI) sẽ gia tăng tốc độ nghiên cứu công chúng, đo lường hiệu quả truyền thông, nâng cao năng lực và tốc độ sản xuất sản phẩm, ấn phẩm. Bên cạnh đó, AI cũng là công cụ góp phần đáp ứng đòi hỏi của vấn đề kinh tế báo chí hiện nay.

Ảnh. PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh trình bày tham luận tại Tọa đàm
TS. Vũ Thị Thanh Nhàn (Trưởng Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học Thăng Long) trình bày tham luận “Truyền thông số và những kỹ năng thiết yếu trong chương trình đào tạo đại học”, khẳng định truyền thông số là xu hướng tất yếu và quan trọng hàng đầu đối với sinh viên nói chung và sinh viên ngành Truyền thông nói riêng. TS. Nhàn chia sẻ, đào tạo truyền thông phải đảm bảo sinh viên ra trường bắt nhịp tốt với công việc, có chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm đa dạng.

Ảnh. TS. Vũ Thị Thanh Nhàn trình bày tham luận tại Tọa đàm
TS. Trần Văn Lệ (Trưởng Khoa Truyền thông, Trường Đại học Đại Nam) có quan điểm trí tuệ nhân tạo nên được thiết kể để là một trong những sườn cốt của các chương trình đào tạo, cần đổi mới chương trình, tinh gọn và thay đổi theo xu thế thời đại. TS. Lệ cũng kiến nghị xây dựng mạng lưới truyền thông số toàn quốc, áp dụng mô hình “học theo dự án” (PBL) và tích hợp AI trong đánh giá.

Ảnh. TS. Trần Văn Lệ trình bày tham luận tại Tọa đàm
Với tham luận “Tích hợp truyền thông – nghiên cứu hành vi người dùng trong đào tạo truyền thông”, TS. Nhà báo Trần Bá Dung (Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường ĐHHB) đi sâu vào nhu cầu nhân lực ngành truyền thông, thực trạng đào tạo và xu thế, các yếu tố cạnh tranh trong đào tạo truyền thông. Trong đó, nội dung và chương trình học – chất lượng giảng viên – công nghệ đào tạo – cơ hội thực hành và việc làm – trải nghiệm học tập – quảng bá thương hiệu và chiến lược marketing là các yếu tố then chốt để thu hút người học; đồng thời, khẳng định tích hợp truyền thông và nghiên cứu hành vi là yếu tố sống còn trong cạnh tranh chất lượng đào tạo, tạo ra sự khác biệt, là mẫu số chung trong mọi ý tưởng đổi mới.

Ảnh. TS. Trần Bá Dung trình bày tham luận tại Tọa đàm
Tiếp nối, TS. Nguyễn Quang Hòa (Phó Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường ĐHHB) cho rằng đào tạo nhân lực truyền thông bên cạnh việc đổi mới theo xu hướng, thì căn cơ và cốt lõi vẫn là đào tạo các giá trị cơ bản và đạo đức truyền thông. TS. cho rằng học theo cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn sự chuyên nghiệp trong cách viết, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nhất định và bắt buộc khi nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã tròn 100 năm tuổi. Để tạo môi trường truyền thông số “lành mạnh”, TS. Hòa kết luận, nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm, đạo đức của nhà báo, nhà truyền thông, học tập theo Bác là nhiệm vụ cần được coi trọng trong suốt quá trình học tập của sinh viên.

Ảnh. TS. Nguyễn Quang Hòa trình bày tham luận tại Tọa đàm
Ngoài 05 báo cáo tham luận của các chuyên gia, đại biểu trên, phần trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm diễn ra rất sôi nổi. Tiêu biểu như: (i) ThS. Phạm Công Nghĩa (Đại diện nhóm nghiên cứu giảng viên khoa Truyền thông và Thiết kế) trao đổi về “Phát triển tư duy kể chuyện kỹ thuật số cho sinh viên báo chí – truyền thông” và lập luận rằng tư duy kể chuyện kỹ thuật số (Digital Storytelling) là kỹ năng không thể thiếu cho sinh viên trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện. Tác giả cũng cho biết cần tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ, master-class, các đội ngũ truyền thông (thực hiện podcast, bản tin,..) để sinh viên “lăn xả” vào công việc thực tế, từ đó, thu về nhiều kinh nghiệm, kỹ năng kể chuyện sáng tạo. (ii) TS. Nguyễn Ái Học (Viện trưởng Viện Phát triển Công nghệ và Văn hóa, giáo dục) cho rằng trường đại học không chỉ đào tạo “thợ”, mà còn cần kết nối giữa đào tạo khoa học cơ bản với khoa học chuyên ngành, phải trang bị cho nhà truyền thông “phông văn hóa”, kỹ năng phản biện, tăng cường ứng dụng triết học trong nhiều lĩnh vực văn hóa, truyền thông, xã hội; (iii) TS. Trần Văn Biên (Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp) bình luận, công nghệ luôn mang tính hai mặt, giống như “con dao hai lưỡi”, do vậy, cần nhận diễn các mặt trái, thách thức, rủi ro dẫn đến các hệ lụy xã hội khi ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động truyền thông; (iv) PGS.TS. Đinh Xuân Hạng (Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng và Kế toán, Trường ĐHHB) cũng khẳng định, tất cả chúng ta, dù sớm hay muộn, cũng phải tham gia vào “dòng chảy số”, ngoài ra, PGS.TS còn trao đổi thêm với TS. Vũ Thị Thanh Nhàn về khía cạnh mặt trái của trí tuệ nhân tạo. Trước vấn đề này, TS. Vũ Thị Thanh Nhàn cho rằng chúng ta tận dụng tiến bộ không thể phủ nhận của AI, nhưng phải làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, không để AI quyết định trải nghiệm của quá trình truyền thông, đào tạo sinh viên…

Ảnh. Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm

Ảnh. Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm

Ảnh. Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm

Ảnh. Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm
Kết thúc Tọa đàm, thay mặt Ban Lãnh đạo Nhà trường và Ban Tổ chức Tọa đàm khoa học, NGND.PGS.TS. Tô Ngọc Hưng đã kết luận, từ các quan niệm, chia sẻ quý giá trong tham luận, đã làm sáng tỏ nhiều nội dung về đào tạo Báo chí – Truyền thông trong kỷ nguyên số. Các cơ sở giáo dục đại học cần phải thay đổi cả cách dạy, cách học, thay đổi chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện đánh giá, rà soát tích cực theo xu thế truyền thông hiện đại. NGND. Một lần nữa, PGS.TS Tô Ngọc Hưng gửi lời cảm ơn tới các nhà báo, nhà khoa học tham gia Tọa đàm, mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, coi đây là sự khởi đầu mới, là dấu ấn mới khi nền báo chí Cách mạng nói riêng và hoạt động truyền thông bước sang kỷ nguyên mới, từ đó, góp phần đổi mới nội dung, phương pháp và cách tiếp cận trong đào tạo Báo chí – Truyền thông, hướng tới một thế hệ người làm báo chí và truyền thông bản lĩnh, sáng tạo và có trách nhiệm xã hội cao.
Trong không khí trang trọng, ấm áp và tinh thần cởi mở, chương trình Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Tọa đàm khoa học “Đào tạo truyền thông và báo chí trong kỷ nguyên số” của Trường ĐHHB đã thành công rực rỡ, khẳng định rõ thông điệp trải qua một thế kỷ, báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, luôn là lực lượng xung kích, tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, đồng hành cùng dân tộc trong suốt hành trình Cách mạng. Chương trình đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc đối với các đại biểu tham dự.
Một số hình ảnh khác:






Nguồn: https://daihochoabinh.edu.vn/
Xem bài viết gốc tại đây