Ngày đăng bài: 02/05/2024 10:45
Lượt xem: 128
Tọa đàm "Sách và Khát vọng phát triển" (Hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4)

Ngày 22/4/2024, Trường Đại học Hòa Bình tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sách và khát vọng phát triển”. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), nhằm tạo diễn đàn để các diễn giả trao đổi, chia sẻ về tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cán bộ giảng viên, sinh viên toàn Trường.

Backdrop

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Ban Lãnh đạo, cán bộ giảng viên và sinh viên (SV) Trường Đại học Hòa Bình (ĐHHB). Đặc biệt, Tọa đàm có sự góp mặt của diễn giả - Nhà văn Di Li - một cây bút đa tài, với hàng chục đầu sách đủ thể loại, từ tiểu thuyết trinh thám, kinh dị, truyện ngắn cho đến tản văn, du ký, giáo trình, sách dịch...; cùng các diễn giả là giảng viên của Trường Đại học Hòa Bình, gồm TS. Nguyễn Quang Hòa - nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện là Phó Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐHHB - là người hoạt động lâu năm trong nghề báo chí, từ “làm báo” sang “dạy báo”, và TS. Trần Thị Hải Anh - Phó Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường ĐHHB, có bề dày kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu chủ yếu về phê bình văn học sinh thái. Ngoài ra, Tọa đàm còn là sân chơi thu hút đông đảo SV đến tham dự, trao đổi, chia sẻ những quan điểm, sự tâm huyết, cả những trăn trở về sách, về văn hóa đọc trong thời đại số đang tăng tốc ngày càng nhanh.

_DSC0956

Toàn cảnh Tọa đàm "Sách và Khát vọng phát triển", tháng 04/2024

Trong bài tham luận “Sách - Kho trí tuệ đồ sộ của loài ngườiTS. Nguyễn Quang Hòa đã khẳng định nhu cầu đọc sách, nhu cầu cần có sách đã trở thành một khát vọng của sự phát triển và sách cũng chính là một trường học. Không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, TS. Nguyễn Quang Hòa còn chỉ ra đọc sách là một công việc nặng nhọc, vất vả như mọi thứ lao động trí óc nếu ta thực sự coi việc này là học; tuy nhiên, cực nhọc nhưng thú vị, vì ta sẽ được thỏa khát vọng của ta - khát vọng về sự hoàn chỉnh, phát triển của bản thân gắn với sự phát triển chung của xã hội, của loài người.

2. Thầy Hòa

TS. Nguyễn Quang Hòa trình bày tham luận tại Tọa đàm, tháng 04/2024

Nhà văn Di Li trình bày về “Tình trạng đọc sách của người Việt”  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, từ đó, đưa ra lời khuyên cho SV về việc hình thành thói quen đọc sách. Diễn giả cho rằng, việc đọc sách phải trở thành nhu cầu để thực hiện mục tiêu, kế hoạch trong học tập, cũng như thực hiện ước mơ trong cuộc sống của bản thân. Thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm về phương pháp đọc sách, phương pháp chọn sách, cách tạo cảm hứng đọc sách của mình, nhà văn Di Li mong muốn các em SV sẽ tìm ra được phương pháp đọc sách phù hợp nhất, để từ đó, các em có thể tiếp thu được hết lượng tri thức trong mỗi cuốn sách.

3. Nhà văn Di Li

Nhà văn DiLi trình bày tham luận tại Tọa đàm, tháng 04/2024

Ở một góc nhìn khác, từ những câu chuyện chân thực gắn liền với trải nghiệm của một người có niềm say mê cháy bỏng với các tác phẩm văn chương Việt Nam, với lối dẫn dắt nhẹ nhàng, sâu lắng và truyền cảm, TS. Trần Thị Hải Anh đã làm rõ vai trò của sách và khẳng định “Đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn” đẹp, tinh khiết và giàu lòng nhân ái.

_DSC0992

TS. Trần Thị Hải Anh trình bày tham luận tại Tọa đàm, tháng 4/2024

Bên cạnh phần chia sẻ của các diễn giả trên, Tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện SV Trường ĐHHB. SV. Nguyễn Phương Anh, lớp 523QDL đã chia sẻ “Một số kinh nghiệm đọc sách hiệu quả” như: kinh nghiệm lựa chọn sách (nên chọn những loại sách tinh hoa mang giá trị rèn luyện đạo đức, trí tuệ và nghị lực; chọn những sách của những tác giả nổi tiếng); kinh nghiệm đọc sách hiệu quả… Còn SV. Nguyễn Sơn Hải, lớp 523DDU lại kể câu chuyện đầy xúc động và thú vị về hành trình đến với sách của mình, cho rằng việc tìm thấy sách và say mê đọc sách giống như là “hẻm sáng” của cuộc đời em.

Sau phần trình bày chuyên sâu của các diễn giả gắn với chủ đề “Sách và khát vọng phát triển”, Tọa đàm còn được tiếp nối bằng phần trao đổi bàn tròn sôi nổi giữa các diễn giả và đại biểu tham dự Tọa đàm. TS. Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch Hội đồng Trường đã bày tỏ sự đồng cảm với các diễn giả và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, nhất là văn hóa đọc trong trường đại học. Nhiều sinh viên thuộc các Khoa chuyên ngành của Trường cũng mạnh dạn, hào hứng trao đổi cùng các diễn giả về các nội dung liên quan đến chủ đề Tọa đàm. Không khí của buổi Tọa đàm đầy ắp tinh thần của những người trẻ ham học hỏi, cầu thị, mong muốn không ngừng tiến bộ; và diễn giả đã giải đáp thuyết phục các câu hỏi của các em SV về: Mục đích của việc đọc trong kỷ nguyên số; phương pháp chọn sách in và sách online; cách đọc sách hiệu quả; phương pháp ghi chép, lưu trữ thông tin từ sách; cách tìm kiếm, sử dụng nguồn tài nguyên sách online vào việc học tập… Từ đó, khơi gợi và bồi đắp niềm đam mê đọc sách cho SV, để khám phá tri thức, những kinh nghiệm đọc sách hiệu quả trong thời đại công nghệ số phục vụ cho việc học tập; phương pháp đọc sách, hướng tới đọc sách thông minh, hiện đại, tiện ích và hiệu quả.

Để khép lại chương trình Tọa đàm, NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường đã tổng kết lại một số nội dung chính của Tọa đàm, và khẳng định mỗi cuốn sách chứa đựng rất nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm, kỹ năng sống đã được nhiều tác giả đúc kết. Đọc sách không chỉ nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, mà còn giúp người đọc biết xây dựng mục tiêu và kế hoạch phát triển bản thân, có thêm động lực để thực hiện ước mơ và hoài bão. Đặc biệt, việc đọc những cuốn sách có liên quan đến nghề nghiệp, chuyên môn sẽ giúp người đọc nói chung và SV nói riêng có thêm những thông tin, kiến thức, hiểu biết sâu hơn, rộng hơn về nghề nghiệp mình đang học tập và làm việc. Bởi vậy, trong trường đại học, thầy cô và SV cần tích cực rèn luyện thói quen đọc sách, hình thành và lan tỏa văn hóa đọc sách.

_DSC1024-1

TS. Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch HĐT chia sẻ tại Tọa đàm, tháng 4.2024

_DSC0974

NGND.PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng tổng kết nội dung Tọa đàm, tháng 4.2024

Có thể nói, những chia sẻ của các diễn giả trong Tọa đàm “Sách và khát vọng phát triển” đã truyền thêm động lực, cảm hứng, nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần đọc sách của cán bộ, giảng viên, SV Trường ĐHHB, góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc sách trong cộng đồng.

_DSC1079


Nguồn: https://daihochoabinh.edu.vn/

Xem bài viết gốc tại đây